Tương lai tiền mã hóa tại Ấn Độ tiếp tục được tranh luận vô cùng gay gắt vì Ngân hàng Trung ương của quốc gia (RBI) đã nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải cấm triệt để lĩnh vực này để bảo vệ nền kinh tế của đất nước.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ muốn chính phủ “tiếp bước” Trung Quốc, cấm triệt để tiền mã hóa
Với việc các nhà chức trách Ấn Độ vẫn chưa chắc chắn về cách “đối phó” với thị trường tiền mã hóa trong hai tháng gần đây, đi từ đề xuất luật xây dựng CBDC, cho đến sự thay đổi về phương án quản lý nhẹ nhàng hơn, thì Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) lại thể hiện quan điểm muốn quốc gia đi theo con đường của Trung Quốc bằng cách cấm hoàn toàn trên mọi phương diện của ngành.
RBI đã làm rõ lập luận trên trong cuộc họp hội đồng quản trị lần thứ 592. Một nguồn ẩn danh bí mật về cuộc họp cho biết RBI nêu bật các mối đe dọa của tiền mã hóa có thể tác động đến chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước và sự bất ổn mà crypto có thể gây ra.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đề cập đến mức độ lo ngại trong việc quản lý các sàn giao dịch hoạt động dưới quyền của họ. RBI vẫn duy trì lập trường vững chắc của mình rằng cách đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề sẽ là một lệnh cấm triệt để. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên RBI duy trì thái độ “thù địch” cao đối với tiền mã hóa.
Vào tháng 10, Thống đốc RBI là ông Shaktikanta Das, đã phát biểu rằng tính chất không được kiểm soát của crypto sẽ gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng cho bất kỳ hệ thống tài chính nào trên thế giới. Ngoài ra, RBI trước đó đã thành công cấm giới ngân hàng Ấn Độ làm ăn với các doanh nghiệp tiền mã hóa vào năm 2018.
Diễn biến thực tế cho thấy, quy định về tiền mã hóa của Ấn Độ có thể bị trì hoãn đến năm 2022 vì chính phủ muốn tổ chức các cuộc tham vấn một cách rộng rãi và kỹ lưỡng hơn. Thủ tướng Narendra Modi, nhân vật nổi tiếng gần đây nhất bị tấn công tài khoản Twitter để đăng tin giả mạo có liên quan đến Bitcoin (BTC), sẽ đưa ra lời kêu gọi cuối cùng về khuôn khổ đề xuất cho luật trước khi có quyết định chính thức.
Song, động thái mới nhất của RBI đã vô tình tạo nên “áp lực” ngày càng nặng hơn lên phản ứng giá của Bitcoin (BTC), vốn dĩ đã phải gánh chịu những ảnh hưởng nhất định từ rất nhiều “lệnh cấm” bên lề của những quốc gia khác trong tuần qua.
Có thể kể đến hành động Vương quốc Anh cấm quảng cáo của Coinbase cùng hàng loạt công ty lớn khác, các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu giáo dục người dân về sự nguy hiểm của crypto và Ngân hàng Trung ương Nga muốn cấm tiền mã hóa. Do đó, vào thời điểm thực hiện bài viết, Bitcoin vẫn đang khá vất vả giao dịch xung quanh 47074 USD.
Biểu đồ giá BTC/USDT. Nguồn: Binance